Bitcoin và Blockchain: Phép lạ hay Ảo ảnh

Những vấn đề liên quan đến Bitcoin và blockchain (chuỗi khối hay công nghệ chuỗi khối) đang bắt đầu lan rộng. Đối với một số người, đó chỉ là một vật dụng mới lạ, hoặc là một trò bịp, đối với một số người khác đó là một cuộc cách mạng thực sự có thể làm biến đổi hệ thống tiền tệ và tài chính, hoặc thậm chí cả hệ thống kinh tế, một cách lâu dài.

Ở đây, chúng tôi sẽ điểm qua nguồn gốc, những tiềm năng và rủi ro liên quan đến các loại tiền kỹ thuật số và blockchain. Bài viết này sẽ tập trung vào các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Sau khi giới thiệu nền tảng triết học của các loại tiền kỹ thuật số, chúng tôi sẽ xem xét những nguyên nhân và lợi thế giải thích sự phát triển của Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Sau đó chúng tôi sẽ thảo luận về những hạn chế của chúng và những phê phán có thể có.

Nền tảng triết học của các loại tiền kỹ thuật số

Friedrich -Hayek
Friedrich Hayek (1899-1992)

Bitcoin là sản phẩm của một dự án chính trị và blockchain là công nghệ đã làm cho dự án này trở nên khả thi. Ít nhất là từ cuối những năm 1970 và từ bài viết của Friedrich Hayek về dự án phi quốc gia hóa tiền tệ[1] , thì một trong những điều ám ảnh của những người theo chủ nghĩa tự do triệt để (một tên gọi khác của những người theo chủ nghĩa tư bản vô chính phủ hoặc chủ nghĩa tự do cực đoan) là giải phóng việc tạo sinh tiền tệ khỏi ảnh hưởng của ngân hàng trung ương và Nhà nước. Theo họ, ảnh hưởng này chịu trách nhiệm về tình hình lạm phát và về những rủi ro quá mức của ngân hàng. Các nhà tự do cực đoan đã nảy sinh nhiều dự án trong đầu, được trường phái Áo truyền cảm hứng, như dự án free banking (các ngân hàng tư nhân cạnh tranh với nhau trong việc phát hành chính đồng tiền riêng của mình, mà không cần đến ngân hàng trung ương với vai trò người cho vay cuối cùng), sự quay trở lại với vàng, tiền tệ 100% (cấm các ngân hàng cho vay vượt mức tiền được kí gởi, một hệ thống được những người tự do cực đoan gọi là hệ thống tiền dự trữ theo tỷ lệ).

Bitcoin được phát minh sau cuộc khủng hoảng năm 2008, được cho là để bổ khuyết những điểm yếu của hệ thống tiền tệ và tài chính, tiến gần đến lý tưởng tư bản chủ nghĩa vô chính phủ về một “đồng tiền tự do”, nhằm làm suy yếu sự độc quyền trong việc phát hành tiền tệ của các ngân hàng trung ương và ngân hàng tư nhân. Do Satoshi Nakamoto, một hoặc nhiều người ẩn danh, sáng tạo (nhiều đồn đoán đang phát triển rất nhanh để tìm ra đó là ai), Bitcoin là một đồng tiền kỹ thuật số, được phát hành theo cách phi tập trung, không có sự kiểm soát của Nhà nước, nhưng được kiểm soát bởi một thuật toán đảm bảo tính an toàn của các giao dịch và không có nạn thao túng hoặc “in tiền giả”. Nói tóm lại, đó là giấc mơ của một phiên bản tiền tệ tư bản chủ nghĩa vô chính phủ của Thung lũng Silicon. Kể từ khi có Bitcoin, đã có nhiều loại tiền kỹ thuật số khác và các blockchain khác được phát minh (như Ethereum, Litecoin, Peercoin, v.v..). Một số người theo chủ nghĩa tự do cánh tả cũng có vẻ rất phấn khích với đồng tiền này, vốn tấn công vào các ngân hàng và uy quyền của các Nhà nước.

Nguồn gốc phát triển của blockchain Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác

Để được thể chế hoá, một loại tiền tệ cần phải có sự tin tưởng: người sử dụng nó cần tin rằng nó sẽ được chấp nhận như là một phương tiện thanh toán và giá trị của nó được đảm bảo bằng cách này hay cách khác. Nói chung, có ba nguồn gốc được cho là tạo ra niềm tin vào một loại tiền tệ: sự tin tưởng về mặt phương pháp, liên quan đến việc sử dụng hợp lý biểu tượng (tôi biết người khác sử dụng đồng tiền đó, vì vậy tôi sử dụng đồng tiền đó), sự tin tưởng về mặt thứ bậc, liên quan đến sự tồn tại của một bên thứ ba đáng tin (tôi biết hệ thống thanh toán được ngân hàng trung ương và mạng lưới các ngân hàng tư nhân đảm bảo) và sự tin tưởng về mặt đạo đức (việc phát hành tiền tệ được thực hiện theo các quy tắc được hợp pháp hóa)[2] . Trong một thời gian dài, người ta cho rằng, để đảm bảo sự tin tưởng vào một loại tiền tệ nào đó, thì sự tin tưởng về mặt thứ bậc và Nhà nước là điều cần thiết. Bitcoin cố gắng bỏ qua trung gian tập quyền đó, điều mà các nhà tự do triệt để và các nhà tân tự do đã luôn phê phán do có thể có việc thao túng lạm phát về lượng tiền để đảm bảo nguồn tài chính cho Nhà nước.

Để làm được như trên, các loại tiền kỹ thuật số dựa vào một kỹ thuật mã hoá và kiểm tra tự động, huy động sức mạnh tính toán của tất cả các máy tính tham gia hệ thống mạng: đó là blockchain. Đây là một loại cơ sở dữ liệu lớn phi tập trung đóng vai trò là sổ kế toán, một sổ, có tính phân phối, minh bạch và an toàn, ghi lại tất cả các giao dịch kể từ khi khởi động hệ thống, tự động hóa việc xác minh các giao dịch bằng cách huy động sức mạnh tính toán của tất cả các máy tính đang tham gia mạng, mà không cần sự kiểm soát tập trung và trên cơ sở đồng thuận. Nó có thể được đồng nhất với một kiểu hệ thống phi tập trung tổ chức và kiểm soát sự chuyển nhượng quyền sở hữu. Vì vậy, nó không cần đến bên thứ ba đáng tin (niềm tin về mặt thứ bậc). Đối với từng khối giao dịch, mỗi máy tính sẽ thực hiện những công việc xác minh tốn kém về mặt tính toán và năng lượng (Proof of work hay bằng chứng công việc trong trường hợp của Bitcoin) cho phép duy trì độ tin cậy, kể cả khi đối mặt với các nỗ lực ác ý của tin tặc trong việc phổ biến những thông tin sai lệch. Hệ thống này được các chuyên gia về mật mã coi là gần như bất khả xâm phạm.

Một khi đã huy động sức mạnh tính toán của nhiều máy tính, thì cần khuyến khích người dùng tham gia hệ thống mạng ngày càng nhiều và đảm bảo việc phát hành Bitcoin. Sự khéo léo xuất phát từ việc là, khi đưa máy tính của mình vào hệ thống mạng, chủ sở hữu của mỗi máy tính sẽ giải quyết được vấn đề được gọi là đào vàng (và các máy tính là những “máy đào vàng”), và được trả thù lao bằng các Bitcoin. Về cơ bản, Bitcoins được phát hành để bù đắp cho chi phí về tiền điện và sức mạnh tính toán của máy tính [tham gia hệ thống mạng]. Do thuật toán của Bitcoin được thiết kế để phát hành đồng tiền có hạn chế này, nên giá trị của nó so với các loại tiền có chủ quyền phải có xu hướng tăng lên, khuyến khích người đào “vàng” đào ngày càng nhiều và như thế đảm bảo sự phát hành đồng tiền kỹ thuật số. Sau đó, đồng tiền kỹ thuật số này có thể được chuyển đổi, ở các dạng nền tảng hoạt động như là một phòng thu đổi ngoại tệ, sang một đồng tiền có chủ quyền hoặc một đồng tiền kỹ thuật số khác.

Bitcoins được giao dịch không thông qua các trung gian ngân hàng và vì vậy tiết kiệm được các chi phí giao dịch liên quan đến hoạt động trung gian ngân hàng (phí hoa hồng, phí duy trì tài khoản, v.v..). Việc chuyển khoản hoặc chuyển đổi Bitcoins thành một đồng tiền có chủ quyền diễn ra khá dễ (hay đúng hơn từng là khá dễ, là điều mà chúng ta sẽ thấy dưới đây), điều này làm cho các giao dịch thanh toán trở nên khả thi ở bất kỳ điểm nào trên hành tinh trong một thời gian kỷ lục, tất nhiên, với điều kiện là các bên trong giao dịch chấp nhận nó. Hơn nữa, việc chuyển khoản này chỉ có thể được thực hiện nếu Bitcoins đã có trong một tài khoản trước đó, ở đây không có hệ thống tiền dự trữ theo tỷ lệ (các ngân hàng không thể tạo ra tiền bằng tín dụng), điều mà, trong tầm nhìn của giới tự do cực đoan, là một phẩm hạnh bảo vệ chống lại các rủi ro lạm phát và nạn in tiền giả mà họ cáo buộc cho các ngân hàng.

Như vậy, Bitcoin có thể được coi là một dạng vàng kỹ thuật số, và chế độ tiền tệ mà nó sẽ thiết lập, nếu được phổ biến rộng (chúng ta sẽ thảo luận sau tính khả thi của kịch bản này), sẽ giống như chế độ bản vị vàng (thuật ngữ “đào vàng” được sử dụng có chủ đích).

Bitcoin, một sản phẩm đầu cơ

Có những nhận định cho rằng Bitcoin là một sản phẩm đầu cơ thuần túy. Không ai tranh cãi việc Bitcoin là một tài sản đầu cơ: hầu hết những người đầu tư vào các loại tiền kỹ thuật số này đều làm như vậy để có một thu nhập cao. Trong thực tế, Bitcoin tăng giá theo thời gian và căn cứ vào sự tăng giá đó, người ta có thể tự hỏi, một cách chính đáng, liệu đó có phải là một bong bóng .

Liệu đó có phải là một bong bóng [đầu cơ] không? Trong trường hợp này, thuật toán của Bitcoin làm cho việc tạo tiền bằng Bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị. Các bạn đã đọc rõ chứ: tất cả sẽ chỉ có 21 triệu Bitcoins được tạo ra cuối cùng, biết rằng hiện nay đã có 12 triệu Bitcoins đã được tạo ra. Vì vậy, nó là một đồng tiền hiếm theo định nghĩa và điều này giải thích một phần sự thành công của nó, vừa là một dạng giá trị ẩn náu và bởi vì nó có thể dẫn đến một hình thức tin tưởng về mặt đạo đức, khi mà việc tạo ra tiền không thể bị thao túng. Bitcoin được coi là một dạng giá trị ẩn náu và các tác nhân tiên đoán rằng giá Bitcoin sẽ tăng lên, do quy mô hệ thống mạng và sự lan rộng của Bitcoin tăng lên trong khi khối lượng Bitcoin có giới hạn.

Vì vậy, đồng tiền ảo này không có tính ổn định bởi vì nó tăng giá cao và là đối tượng đầu cơ. Nếu như một đồng tiền như thế và một chế độ tiền tệ như thế được thể chế hóa và phổ cập hóa, thì sẽ thấy xảy ra các cơ chế giảm phát, mà hiệu ứng của chúng sẽ có khả năng tác động tiêu cực lên hoạt động tiền tệ, một cách tiềm tàng. Thực vậy, tình trạng giảm phát làm tăng nợ, có hiệu ứng xiết nợ (các doanh nghiệp, hộ gia đình hoặc Nhà nước), cụ thể là những tác nhân có khuynh hướng tiêu dùng cao nhất. Người ta có thể sẽ lập luận rằng khi giá cả giảm thì sẽ làm tăng sức mua tiền mặt và từ đó làm tăng tiêu dùng, nhưng hiệu ứng được gọi là tiền mặt thực tế này nói chung là khá yếu. Hơn nữa, nếu tiền lương là không linh hoạt so với giá cả (một điều vốn thường là như vậy), thì tình trạng giảm phát làm giảm lợi nhuận và giảm bớt động lực đầu tư. Hiện tại, khi chúng ta đang ở trong chế độ tiền tệ có chủ quyền, khi Bitcoin không được sử dụng để ấn định giá cả và tiền lương, thì hiệu ứng giảm phát này khó có thể xảy ra và sự tăng giá của tài sản này [Bitcoin] chủ yếu mang tính đầu cơ.

Maurice- Allais
Maurice Allais (1911-2010)

Các phương tiện thanh toán được tạo ra không căn cứ vào nhu cầu thanh khoản gắn với sự lưu thông tiền tệ, mà căn cứ vào hoạt động đào vàng, mà hiệu suất giảm dần theo thời gian (xác suất mà một máy tính đào được một Bitcoin giảm dần). Nếu mọi người có thể cho vay bằng Bitcoins để tài trợ cho hoạt động kinh doanh này hay hoạt động kinh doanh khác, thì các khoản nợ và giấy nợ này không thể tạo ra tiền, và cũng không thể được lưu thông như tiền thông qua blockchain của Bitcoin. Người ta sẽ tiến gần hơn đến lý tưởng của một Maurice Allais hoặc một số nhà tự do cực đoan người Áo, những người muốn tách chức năng tiền tệ và cho vay bằng cách ngăn cấm những khoản tiền dự trữ theo tỷ lệ.

Tuy nhiên, Bitcoin không ngăn cấm hệ thống tiền dự trữ theo tỷ lệ: nếu một ngân hàng tạo ra các tài khoản bằng Bitcoin, thì không có gì ngăn cản họ đưa đồng tiền đó vào lưu thông, thông qua tín dụng, các phương tiện thanh toán (ngân phiếu, ví dụ) vượt quá mức dự trữ bằng Bitcoin của ngân hàng. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi các ngân hàng phải cung cấp một dịch vụ thú vị hơn, vì tính minh bạch của sổ kế toán và vì các tác nhân trong hệ thống mạng có thể có những tài khoản/ví tiền (“wallet”) riêng của mình mà không cần đến các ngân hàng. Đặc biệt khi mục tiêu của Bitcoin là bỏ qua trung gian ngân hàng, bằng cách cung cấp dịch vụ với chi phí giao dịch thấp hơn. Hơn nữa, trong một hệ thống “được bitcoin hóa” hoàn toàn, thì các ngân hàng vẫn chịu những hạn chế định lượng về trữ lượng Bitcoin, giống như vàng có thể phần nào đó hạn chế sự mở rộng tín dụng trong bản vị vàng. Vì vậy, có nhiều khả năng để đặt cược rằng chế độ tiền tệ này sẽ mang tính giảm phát và tiêu cực cho mức độ hoạt động kinh tế vì độ co dãn thấp của nó. Trong một kịch bản như vậy, nó sẽ kéo theo việc biến mất hoàn toàn của công cụ chính sách tiền tệ.

Sự thiếu vắng các quy định mở đường cho các hoạt động bất hợp pháp

Liệu Bitcoin có thực sự là một đồng tiền không, hay là một vụ lừa đảo in tiền giả, như khẳng định của một số người, trong đó có Jamie Dimon, giám đốc Ngân hàng JPMorgan Chase? Hãy nhớ rằng một đồng tiền chỉ là đồng tiền bởi vì nó được coi là như vậy theo quy ước. Điều này có nghĩa là nếu một ngày nào đó Bitcoin được chấp nhận như là một đồng tiền, nghĩa là nếu nó tạo đủ niềm tin để cho phép mua hàng, thì nó sẽ là một đồng tiền. Trong số các yếu tố có thể nuôi dưỡng sự ngờ vực, đã có nhiều trường hợp lừa đảo tiền kỹ thuật số, có thể tạo ra sự ngờ vực của công chúng và chỉ ra rằng một kỹ thuật, dù có bất khả xâm phạm đến đâu, cũng có thể là chưa đủ để tạo ra niềm tin. Đồng thời, cũng có trường hợp những hệ thống Ponzi (gian lận) trên Bitcoin.

Các hoạt động được gọi là Initial Coin Offerings (ICO, hình thức huy động vốn đầu tư thông qua việc phát hành những tài sản số đổi lấy tiền kĩ thuật số – ND), nghĩa là những đợt phát hành các token (thẻ số) với lãi suất ưu đãi cho những nhà đầu tư bằng Bitcoin và để tài trợ cho các start-up [doanh nghiệp khởi nghiệp] đào vàng đổi lấy đồng tiền có chủ quyền, không bị điều tiết và phát triển nhằm tránh hoạt động tài trợ truyền thống bằng cổ phiếu với các quy định kèm theo. Trong các ICOs, các token tiền kỹ thuật số được phát hành đến kỳ hạn không cho nhà đầu tư quyền được hưởng cổ tức và quyền bỏ phiếu, mà là cho quyền được mua một trong những sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ cung cấp sau này, hoặc bán lại các token tiền kỹ thuật số có được với một mức gia tăng của giá trị khi thời giá tăng lên. Nhưng khi tiền kỹ thuật số rớt giá, thì các nhà đầu tư sẽ mất tất cả. Cơ quan quản lý các thị trường tài chính [Autorité des Marchés Financiers] lo ngại các hoạt động này và đang suy nghĩ về các biện pháp để điều tiết chúng. Trong các ICO này, có nhiều trường hợp lừa đảo có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng tiền ảo này. Ngoài ra, tiền kỹ thuật số thường được sử dụng trong việc rửa tiền các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nói tóm lại, sự thiếu vắng điều tiết khuyến khích những hành vi dẫn đến tranh chấp. Sự đổi mới tài chính và tiền tệ thường là một cách để lẩn tránh các quy định để giao dịch những thương vụ đáng ngờ, Bitcoin không phải là một ngoại lệ.

Một đồng tiền chưa hoàn chỉnh

Hơn nữa, một tiền tệ mang tính hoàn chỉnh nếu kết hợp được các chức năng của đơn vị hạch toán, phương tiện thanh toán, và dự trữ giá trị. Hiện tại, Bitcoin được sử dụng chủ yếu như là dự trữ giá trị và là phương tiện thanh toán cho một số sản phẩm nhất định trên Internet, hoặc trong thời gian gần đây tại một vài cửa hàng cụ thể ở Nhật Bản và Đức. Các trang web hoặc doanh nghiệp này chấp nhận Bitcoin như là một phương tiện thanh toán bởi vì thuật toán được đảm bảo an toàn và bởi vì họ dự đoán rằng họ sẽ có thể chuyển đổi Bitcoins thành đồng tiền có chủ quyền, có nhiều khả năng với một mức giá trị thặng dư căn cứ vào sự tăng trưởng của thời giá.

Nhưng, Bitcoin chưa thực sự có được chức năng là đơn vị hạch toán, ngoại trừ trong những giao dịch giữa các loại tiền kỹ thuật số, nơi mà Bitcoin là đồng tiền tham chiếu. Vì vậy, nó không thể được coi là một đồng tiền hoàn chỉnh. Nhân tố chính có thể làm chậm việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số này xuất phát từ các Nhà nước và các ngân hàng trung ương, những tác nhân có toàn quyền quyết định về đơn vị hạch toán trên lãnh thổ của mình và bắt buộc trả tiền thuế bằng đồng tiền quốc gia. Yêu cầu bắt buộc này đảm bảo đồng tiền quốc gia được sử dụng vừa như là đơn vị hạch toán và vừa là phương tiện thanh toán. Hơn nữa, các Nhà nước rất có thể quyết định cấm lưu thông Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác, để tạo ra loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, theo nhiều quy tắc phát hành khác nhau cho vấn đề được gọi là phát hành tiền tệ: đây là những gì mà Nga, Estonia và Việt Nam đang nghĩ đến.

Một số điều gọi là lợi thế của Bitcoin đang biến mất. Trước tiên, khi số lượng các giao dịch tăng lên, thì cần nhiều thời gian hơn để xác minh một giao dịch, đôi khi cần đến vài chục phút, điều này không mấy thuận tiện. Ngoài ra, khi không có các phương tiện thanh toán tương đương, như thẻ tín dụng hoặc tiền giấy, thì hiện tại có rất ít khả năng để sử dụng loại tiền này trong các giao dịch hàng ngày ở siêu thị hoặc ở quán cà phê. Hoặc việc chuyển đổi Bitcoin thành US$ đã tạo ra các chi phí giao dịch ngày càng tăng (đạt mức 5.5US$ vào tháng 6 năm ngoái và xu hướng tăng lên cho mỗi giao dịch), làm giảm lợi ích của đồng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch có giá trị thấp. Tất cả điều này được giải thích bởi chi phí về tính toán và năng lượng của việc duy trì blockchain Bitcoin.

Một chế độ [tiền tệ] không bền vững

Dựa vào xác suất giảm dần trong khả năng đào được vàng, các máy tính cần phải chạy ngày càng lâu hơn để có được Bitcoin, hoặc cần phải huy động ngày càng nhiều máy tính hơn. Người ta thấy rằng Bitcoin quả thực là rất hao tốn về năng lượng, bởi vì giao thức xác minh (Proof of work – bằng chứng công việc) huy động rất nhiều năng lượng và sức mạnh tính toán, và điều đó càng nhiều hơn nữa khi số lượng các giao dịch tăng lên.

Hiện tại, khi Bitcoin chưa được phổ biến rộng rãi, người ta ước tính rằng mức tiêu thụ điện để làm cho blockchain này hoạt động tương đương với mức tiêu thụ điện của Ireland. Và mức này đang ngày càng tăng lên, vì vậy nó không có tính bền vững về mặt năng lượng. Theo cách điên rồ nhất, một số người Nga và người Trung Quốc cho hàng trăm máy tính hoạt động liên tục để đào Bitcoins (người ta đang nói đến các trang trại đào vàng). Khi hiệu suất ngày cần thấp dần, thì các trang trại đào coin luôn cần đến nhiều máy tính hơn để có thể giải quyết các vấn đề tính toán… Người ta đã thấy sự phân bổ nguồn lực thông minh hơn cho tập thể. Vả lại, có một điều gì đó khôi hài, đó là Bitcoin được tạo ra để hạn chế cái gọi là in tiền giả nhà nước, nhưng điều đó có vẻ như không cản trở những người cổ xúy Bitcoin rằng có người, để kiếm sống (một số người đã trở thành triệu phú) chỉ việc cho các máy tính hoạt động suốt ngày để giải quyết những vấn đề viễn vông khi tiêu thụ năng lượng mà lẽ ra năng lượng đó chắc chắn sẽ được sử dụng tốt vì mục đích khác; một hoạt động trông rất giống với một hoạt động “thực” về in tiền giả.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi hiệu suất đào vàng giảm dần trong khi các chi phí về năng lượng và giao dịch tăng lên, thì lợi ích của việc đào Bitcoin sẽ giảm, thậm chí biến mất. Liệu có ai đó quan tâm đến việc để cho máy tính của mình chạy liên tục mà không có bất kỳ hy vọng nào đào ra vàng không? Trong trường hợp này, đã có các loại tiền kỹ thuật số khác được tạo ra, như Litecoin hoặc Ethereum, với những giao thức ít tốn kém hơn về mặt năng lượng, nhưng điều vẫn cần được chứng minh là tất cả hệ thống này có tính bền vững.

Để cho sòng phẳng, cần phải so sánh chi phí các blockchain của các loại tiền kỹ thuật số với chi phí của các hệ thống thanh toán hiện có. Chi phí này không phải bằng không, trái với những gì người ta có thể đôi khi nghe thấy: cần có các máy rút tiền, các thiết bị thanh toán đầu cuối, chi phí in tiền, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin… Nhưng người ta cũng cảm thấy cần phải xem xét lại những lợi thế từng được ca tụng của Bitcoin.

Hơn nữa, khi chi phí các giao dịch tăng lên, để có thể sử dụng Bitcoins trong đời sống hàng ngày, thì các ngân hàng có thể có một giải pháp là phát hành những phương tiện thanh toán “cụ thể” (ngân phiếu) để đổi lấy Bitcoins, làm mất đi triết lý ban đầu của Bitcoin khi mà hoạt động ngân hàng quay trở lại và đi kèm với hoạt động ngân hàng đó, là khả năng của hệ thống tiền dự trữ theo tỷ lệ. Các ngân hàng vẫn chưa chịu thua. Tuy nhiên, tôi không nghi ngờ rằng giá trị của Bitcoin sẽ tiếp tục tăng thêm nữa, miễn là chi phí biên của việc đào vàng thấp hơn giá trị của bitcoin (việc so sánh giá trị/chi phí sản xuất sẽ xác định mức sản xuất; lợi tức kỳ vọng ấn định mức cầu) và miễn là Nhà nước không có các biện pháp để ngăn cấm hoặc điều tiết việc phát hành Bitcoin. Điều này sẽ còn tạo ra, trong một thời gian, một sự lãng phí năng lượng và nguồn lực một cách vô lý.

Khó xảy ra sự “phá vỡ” của ngành ngân hàng và tài chính bởi các loại tiền kỹ thuật số

Thêm một lý do có khả năng làm chậm sự phát triển của loại tiền kỹ thuật số là phản ứng của cơ chế độc quyền dịch vụ ngân hàng, mà dù thế nào vẫn có thể bị các loại tiền kỹ thuật số, blockchain và tổng quát hơn là toàn bộ ngành Fintech [công nghệ tài chính] đe dọa. Nhưng hãy nhìn nhận rằng việc “phá vỡ” ngành ngân hàng và tài chính để giảm bớt khả năng gây phiền toái của nó và sự phụ thuộc của chúng ta có thể không hoàn toàn làm cho chúng ta không hài lòng.

Cuối cùng, ngay cả khi Bitcoin trở thành một phương tiện thanh toán cho hoạt động thương mại điện tử, thì cũng có rất ít khả năng nó “phá vỡ” được các đồng tiền quốc gia. Nếu Bitcoin được phổ cập là đồng tiền thay thế cho đồng tiền có chủ quyền, thì sẽ đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về giảm phát, vì sự cứng nhắc của quá trình tạo ra tiền của nó và vì việc tạo ra tiền đó không điều chỉnh được với nhu cầu về thanh khoản. Nếu Bitcoin, giống như các loại tiền kỹ thuật số khác, chỉ là những tài sản đầu cơ, thì điều tốt nhất là lợi ích của chúng là hạn chế, và điều tồi tệ nhất là chúng mang tính tiêu cực. Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất trong trung hạn là kịch bản của việc cùng tồn tại giữa các đồng tiền quốc gia và các loại tiền kỹ thuật số. Các loại tiền kỹ thuật số này sẽ được sử dụng trong một số giao dịch và được một số doanh nghiệp và quày hàng chấp nhận, trong khi các đồng tiền quốc gia sẽ vẫn giữ vai trò nòng cốt do thời giá hợp pháp và vai trò trong thanh toán thuế của chúng.

Đồng tiền kỹ thuật số có những hạn chế quan trọng, nhưng kỹ thuật cơ bản, blockchain, có nhiều ứng dụng tiềm năng. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này trong một bài viết khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *