Alexander Vinnick – nhà sáng lập kiêm CEO của sàn giao dịch BTC-e bị Bộ tư pháp Mỹ cáo buộc tham gia vào các hoạt động rửa tiền.
Alexander Vinnick (quốc tịch Nga) – nhà sáng lập kiêm điều hành sàn giao dịch Bitcoin BTC-e (hiện đã bị xóa sổ) vừa bị kết án 5 năm tù giam. Cụ thể, Vinnick bị bắt và giam giữ tại nhà tù Thessaloniki ở Hy Lạp vào năm 2017 ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đưa ra lệnh truy nã quốc tế đối với anh này.
Theo tờ Washington Times, Alexander Vinnik bị bắt tại một ngôi làng bên bờ biển ở miền Bắc Hy Lạp khi đang nghỉ hè cùng vợ và 2 con. Tham gia vào vụ vây bắt là hơn 20 đặc vụ Mỹ đến từ FBI, Cục Hải quan và Di trú, cùng nhân viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Ngay sau đó, cả Nga và Mỹ đều mở chiến dịch để giành quyền dẫn độ Alexander Vinnik về nước mình xét xử. Giới chuyên môn cho rằng, Washington muốn dẫn độ Alexander Vinnik về Mỹ, để tìm hiểu cách trùm rửa tiền ảo Bitcoin đã hoạt động như thế nào, ai là cộng sự và ai giúp giấu tiền…
Tuy nhiên, cả 2 chính quyền trên đều không đạt được mục đích. Vào đầu năm nay, Vinnick bị dẫn độ sang Pháp để xét xử và mới đây một tòa án tại Paris (Pháp) đã kết tội Vinnick rửa tiền với bản án 5 năm tù giam kèm theo 100.000 euro tiền phạt.
Trước đó, DOJ phát lệnh truy nã dựa theo cáo buộc Vinnick đã điều hành BTC-e như một lá chắn cho các hoạt động rửa tiền lớn, trong đó có giao dịch liên quan đến các khoản tiền bị đánh cắp từ các cuộc tấn công mạng. Mỹ cho rằng Vinnik có liên quan tới vụ trộm Bitcoin trị giá khoảng 480 triệu USD khiến sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox ở Nhật Bản sụp đổ năm 2014. Khi mà các khoản tiền bị đánh cắp từ Mt.Gox từng được liên kết với các tài khoản BTC-e của Vinnick thông qua công ty bảo mật Wizsec.
Ngoài ra, DOJ còn buộc tội Vinnick liên quan tới 17 tội danh rửa tiền lên đến 4 tỉ USD kể từ khi sàn giao dịch BTC-e được thành lập vào năm 2011.
Trong khi đó, các công tố viên Pháp cáo buộc Vinnick tội “tống tiền, âm mưu và gây tổn hại cho các hệ thống xử lý dữ liệu tự động”. Giới chức trách Pháp cho rằng Vinnick là một trong số những tác giả tạo ra mã độc tống tiền (ransomware) có biệt danh là “Locky” – được lan truyền qua email và được sử dụng để tấn công các doanh nghiệp và tổ chức Pháp từ năm 2016 đến 2018. Theo thống kê, có ít nhất 20 thực thể ở nước này phải chi trả tiền chuộc bằng Bitcoin để lấy lại dữ liệu của họ.
Mặc dù Luật sư bào chữa của Vinnik lập luận tại tòa rằng, thân chủ của mình chỉ là một nhà điều hành kỹ thuật và thực hiện các giao dịch dựa theo chỉ đạo của các giám đốc BTC-e. Song điều đó không giúp Vinnick tránh được bản án 5 năm tù với tội rửa tiền.
Theo ZDNet, mức án như vậy là quá nhẹ so với những gì Vinnick đáng phải nhận. Bởi theo bản án mà các công tố viên đưa ra trước đó, Vinnick có thể bị kết án 10 năm tù và khoản tiền phạt 750.000 euro. Tuy nhiên, các công tố viên Pháp chỉ có thể chứng minh được 1 trong số 14 cáo buộc chống lại đối tượng, và đó không phải là các cáo buộc liên quan đến mã độc Locky.
HAY
GOOD