Trung quốc bắt đầu thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Đầu tháng 5/2020 Trung Quốc chính thức thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (DCEP), TS.Cấn Văn Lực vừa đưa ra báo cáo đánh giá chi tiết về những lợi ích, rủi ro và thách thức khi Trung Quốc sử dụng DCEP

Sau gần 2 năm công bố chính thức về nghiên cứu đồng Nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (gọi tắt là DCEP) từ đầu tháng 5/2020. Đây được coi là giai đoạn 1- giai đoạn thử nghiệm trong lộ trình 3 giai đoạn triển khai DCEP”. Theo đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ hợp tác với 7 tổ chức ngân hàng – công nghệ để thực hiện thử nghiệm trong quy mô nhỏ, thí điểm tại 4 thành phố: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Bảo Định từ ngày 4/5/2020; và chưa rõ thời gian thí điểm sẽ bao lâu. Một số công ty nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway được cho là sẽ tham gia thử nghiệm.

Rủi ro, thách thức khi Trung Quốc dùng DCEP

Về bản chất, TS.Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, DCEP đây là đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (CBDC), trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, là một dạng tiền pháp định được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW Trung Quốc (thông qua giá trị đồng NDT).

DCEP được coi là phiên bản nâng cấp của đồng NDT tiền mặt với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của NHTW trong nền kinh tế số. DCEP được vận hành như tiền giấy thông thường, chỉ khác là tồn tại dưới dạng kỹ thuật số trong ví điện tử được NHTW Trung Quốc công nhận.

Với nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của NHTW, DCEP có những lợi ích nổi bật như: thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt; nâng cao vị thế đồng NDT, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng tiền này, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD; Nâng cao hiệu quả  thực thi chính sách tiền tệ và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính (do trong tầm kiểm soát); Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện…

Bên cạnh đó, việc sớm đưa vào thử nghiệm đồng DCEP cũng đem lại nhiều ý nghĩa nổi bật đối với Trung Quốc, có thể kể đến như: là bước tiến quan trọng trong việc đưa đồng DCEP trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát đầu tiên trên thế giới; Khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc đối phó với các loại tiền ảo hay tiền kỹ thuật số ẩn danh như Bitcoin, Litecoin, đặc biệt đồng Libra (do Facebook đang khởi xướng)… có thể đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu; Hướng tới xã hội không tiền mặt đầu tiên trên thế giới hậu Covid-19, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh do lưu thông tiền tệ truyền thống (tiền mặt, coin…)…

Đặc biệt, do đồng DCEP là tiền kỹ thuật số, “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, có thể tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Theo đó, NHTW Trung Quốc có thể áp dụng lãi suất âm để kích thích tăng trưởng ngay cả khi đồng DCEP được sử dụng rộng rãi và người dân không gửi tiền trong ngân hàng.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, TS.Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc Trung Quốc triển khai đồng DCEP cũng tiềm ẩn những rủi ro, thách thức, đó là: Do quan điểm còn có sự khác biệt rất lớn giữa các nước (nhóm các nước phát triển, các quốc gia thị trường mới nổi) về tiền kỹ thuật số nói chung và CBDC nói riêng, khiến khả năng công nhận lẫn nhau là khá mong manh; Xung đột thương mại, mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc và các quốc gia khác có thể tăng lên, nhất là khi Mỹ muốn duy trì vị trí độc tôn của đồng USD; Ảnh hưởng đến quan hệ giao thương, đặc biệt là các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới giữa Trung Quốc với các quốc gia trong điều kiện NHTW các nước còn thiếu các quy định về thanh toán xuyên biên giới và hoạt động này còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật của các quốc gia đối tác; Vẫn có thể xảy ra rủi ro kỹ thuật trong quá trình thực hiện giao dịch, rủi ro hackers xâm nhập hệ thống, khiến niềm tin lung lay; Đe dọa ảnh hưởng đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng, ảnh hưởng đến mức độ và khả năng chấp nhận của người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *