Hợp đồng tương lai là gì? Ưu nhược điểm của nó trong giao dịch tài chính

Thuật ngữ hợp đồng tương lai được sử dụng nhiều trong giao dịch chứng khoán và giao dịch tiền điện tử vậy hợp đồng tương lai là gì, ưu nhược điểm của nó như nào.

Trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, tiền điện tử), hợp đồng tương lai (futures contract) là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay (gọi là giá tương lai (futures price) hay giá xuất phát) nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai, ngày giao hàng).

Các hợp đồng này được giao dịch thông qua sàn giao dịch tương lai (futures exchange). Một bên đồng ý mua tài sản cơ sở trong tương lai, hay “bên mua” trong hợp đồng, gọi là “trường vị” (long), còn một bên đồng ý bán trong tương lai, hay “bên bán” trong hợp đồng, gọi là “đoản vị” (short).

Thuật ngữ trên phản ánh kỳ vọng của các bên – người bán hy vọng giá hàng hóa sẽ giảm, còn người mua hy vọng giá hàng hóa sẽ tăng. Lưu ý rằng tự bản thân hợp đồng không tốn phí khi ký kết; thuật ngữ mua/bán chỉ là công cụ ngôn ngữ thuận tiện để phản ánh vị thế của các bên (trường vị hoặc đoản vị).

Trong nhiều trường hợp, tài sản cơ sở trong hợp đồng tương lai có thể hoàn toàn không phải là “hàng hóa” truyền thống – nghĩa là, đối với hợp đồng tài chính tương lai, tài sản hoặc mặt hàng cơ sở có thể là các loại tiền tệ, chứng khoán hay công cụ tài chính và tài sản vô hình hoặc các khoản mục tham chiếu như chỉ số chứng khoán và lãi suất.

Trong khi hợp đồng tương lai nói đến việc mua bán trong tương lai thì mục đích của sở giao dịch tương lai là giảm thiểu rủi ro phá vỡ hợp đồng giữa hai bên. Do đó, việc mua bán đòi hỏi cả hai bên đặt cọc một khoản tiền ban đầu, gọi là tiền ký quỹ (hay “biên”, margin).

Ngoài ra, thông thường do giá tương lai thay đổi hàng ngày nên mức chênh lệch giữa giữa giá đã ấn định trước và giá tương lai mỗi ngày cũng được tính toán lại mỗi ngày. Trung tâm giao dịch sẽ rút tiền trong tài khoản ký quỹ của một bên và chuyển vào tài khoản của bên kia, sao cho mỗi bên sẽ nhận được khoản lãi hay lỗ thích hợp mỗi ngày. Nếu tài khoản ký quỹ xuống thấp hơn một giá trị nào đó thì người ta sẽ yêu cầu thêm khoản ký quỹ (gọi là “gọi vốn biên”) và chủ sở hữu sẽ phải bổ sung thêm tiền vào tài khoản này.

Quy trình này gọi là neo giá thị trường (marking to the market). Do đó, vào ngày giao hàng, số tiền mua bán không phải theo giá ghi trong hợp đồng mà là giá trị giao ngay (do mọi khoản lãi và lỗ trước đó đã được thanh quyết toán thông qua quá trình neo giá thị trường).

Một dạng hợp đồng gần gũi với hợp đồng tương lai là hợp đồng kỳ hạn. Hợp đồng kỳ hạn giống như hợp đồng tương lai ở chỗ trong đó nêu rõ cuộc mua bán hàng hóa với mức giá cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong tương lai.

Tuy nhiên, hợp đồng kỳ hạn không giao dịch thông qua một sàn giao dịch nên không nhất thiết phải tạm thời thanh toán từng phần thông qua neo giá thị trường. Hợp đồng cũng không cần chuẩn hóa như trên sàn giao dịch nhưng phải rõ hai đối tác mua bán trong khi hợp đồng tương lai được giao dịch thông qua sở giao dịch nên bên bán không nhất thiết cần phải biết bên mua là ai và ngược lại.

Không giống như hợp đồng quyền chọn, cả hai bên trong hợp đồng tương lai đều phải thực hiện hợp đồng vào ngày giao hàng. Người bán giao hàng hóa hữu quan cho người mua, hoặc nếu đó là một hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền thì tiền sẽ được chuyển từ thương nhân chịu lỗ đến thương nhân có lãi.

Để thoát khỏi giao kết trước ngày thanh toán, người giữ một vị thế tương lai có thể kết thúc các nghĩa vụ hợp đồng của mình bằng cách nắm lấy vị thế ngược lại trong một hợp đồng tương lai khác đối với cùng tài sản đó vào cùng một ngày thanh toán. Chênh lệch trong các mức giá tương lai khi đó là lãi hay lỗ.

Ưu điểm của Hợp đồng tương lai

Phòng ngừa rủi ro

Hợp đồng tương lai đem lại cho những người muốn quản lý rủi ro biến động giá cơ hội chuyển rủi ro đó sang cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro với hy vọng không ngừng gia tăng lợi nhuận – Quá trình chuyển rủi ro này được gọi là phòng ngừa rủi ro.

Trên thực tế, việc phòng ngừa rủi ro được thực hiện bằng cách bù trừ rủi ro về giá hiện hữu trên thị trường giao ngay thông qua việc giữ một vị thế trái ngược nhưng có giá trị tương đương trên thị trường hợp đồng tương lai. Bằng cách này, người phòng ngừa rủi ro sẽ cố định được mức giá hay là mức lãi suất mà họ có thể chấp nhận được và hạn chế, thậm chí loại bỏ, những thiệt hại do biến động bất lợi của giá gây ra.

Tính thanh khoản cao

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết và được chuẩn hóa. Căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng, những người tham gia vào thị trường hợp đồng tương lai đều biết được trước một cách rõ ràng họ có thể (hoặc sẽ) mua – bán cái gì, vào thời điểm nào trong tương lai và giao dịch đó được thực hiện như thế nào.

Với tính chất nhất quán của sản phẩm, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường có thể mở và đóng vị thế khi cần một cách dễ dàng. Điều này làm cho thị trường hợp đồng tương lai có tính thanh khoản rất cao, và biến hợp đồng tương lai thành công cụ thuận lợi cho các nhà đầu tư sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Đòn bẩy tài chính

Khi tham gia thị trường hợp đồng tương lai nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận hết sức ấn tượng chỉ với một số tiền đầu tư ban đầu rất nhỏ (so với việc đầu tư trên thị trường tài sản cơ sở).

Một nhà đầu tư muốn mua hay bán hợp đồng tương lai chỉ cần đáp ứng yêu cầu ký quỹ với tính chất là khoản cam kết tài chính đảm bảo thực hiện hợp đồng. Khi dự đoán của nhà đầu tư về biến động giá của tài sản cơ sở trở thành hiện thực, nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận từ vị thế hợp đồng tương lai mà mình nắm giữ. Do hiệu ứng ủa khoản tiền ký quỹ, mức sinh lời trên thị trường này thường cao hơn nhiều so với mức sinh lời trên thị trường tài sản cơ sở.

Nhược điểm của hợp đồng tương lai:

Hợp đồng tương lai là gì – BBMTrade

Phòng ngừa rủi ro làm giảm tiềm năng gia tăng lợi nhuận
Khi sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro cho một vị thế đối với tài sản cơ sở, nhà đầu tư có thể giảm được những thiệt hại hay thua lỗ có thể xảy ra với vị thế cơ sở của mình khi giá trên thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi.

Kết quả này có được nhờ sự đối lập giữa vị thế tài sản cơ sở và vị thế hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư nắm giữ đồng thời khiến cho lãi/lỗ phát sinh từ hai vị thế này bù trừ (và có thể triệt tiêu) lẫn nhau.

Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến theo xu hướng có lợi, nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai không có khả năng tận dụng biến động có lợi đó để gia tăng lợi nhuận hay thu nhập cho mình do hiện tượng bù trừ (lãi/lỗ) giữa các vị thế đối lập vẫn tiếp tục diễn ra. Đây là một điểm hạn chế của việc sử dụng hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro.

Rủi ro của hiệu ứng đòn bẩy

Đòn bẩy tài chính là một trong những đặc điểm nổi bật tạo nên sức hấp dẫn cho hợp đồng tương lai nói riêng và nhiều loại chứng khoán phái sinh nói chung. Tuy nhiên, hiệu ứng đòn bẩy sẽ chỉ tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng trong thực tế nếu dự báo (hay kỳ vọng) của người sử dụng hợp đồng tương lai về chiều hướng biến động giá tài sản cơ sở trở thành hiện thực.

Trong trường hợp sự thay đổi về giá tài sản cơ sở trên thị trường không đúng với dự đoán làm căn cứ cho giao dịch hợp đồng tương lai ban đầu, thua lỗ sẽ xảy ra và do tác động đòn bẩy, mức độ thua lỗ tính theo tỷ lệ phần trăm trên “số vốn đầu tư ban đầu” sẽ lớn hơn rất nhiều (so với đầu tư trên thị trường giao ngay).

Yêu cầu ký quỹ bổ sung

Như ta đã biết cơ chế thanh toán hợp đồng tương lai là thanh toán hàng ngày, các khoản lãi, lỗ phát sinh từ hợp đồng tương lai được hiện thực hóa hàng ngày và phản ánh ngay trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ bổ sung ngay khi số tiền trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư xuống bằng hoặc thấp hơn mức ký quỹ duy trì.

Điều này đòi hỏi khi tham gia vào thị trường hợp đồng tương lai nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị nhất định về năng lực tài chính, bởi nếu không thực hiện ký quỹ bổ sung kịp thời khi có yêu cầu thì vị thế của nhà đầu tư trên thị trường hợp đồng tương lai sẽ bị đóng lại, gây thua lỗ và có thể dẫn nhà đầu tư tới việc phá sản.

Chứng khoán phái sinh, như thể hiện ở tên gọi của nó, là công cụ được sinh ra từ một sản phẩm tài chính hoặc loại hàng hóa nào đó – được gọi là tài sản cơ sở (hay tài sản gốc), và giá trị của chứng khoán phái sinh được xác định dựa vào giá trị của chính tài sản cơ sở.

Chứng khoán phái sinh không thể tồn tại một cách tự thân mà luôn phải gắn liền với “một tài sản cơ sở nào đó” – một khoản vay, một hàng hóa cơ bản, một cổ phiếu được niêm yết, một loại lãi suất, một đơn vị tiền tệ….
Được thiết kế dưới dạng hợp đồng tài chính, chứng khoán phái sinh ra đời trước tiên nhằm mục đích giúp các nhà đầu tư nói riêng và các đối tượng có nhu cầu nói chung tối thiểu hóa rủi ro.

Yếu tố rủi ro được nói đến ở đây chủ yếu là rủi ro thị trường, hay là rủi ro do biến động giá trên thị trường gây ra. Khái niệm giá cũng được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm từ giá cả hàng hóa vật chất, đến giá của những tài sản tài chính như giá cổ phiếu, lãi suất, tỷ giá.

Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc của chứng khoán phái sinh chỉ thực sự diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 20, song công cụ tài chính này đã xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử loài người, dù rằng những dạng thức tồn tại đầu tiên của nó là khá thô sơ.

Người ta đã tìm thấy dấu vết của những giao dịch mang dáng dấp của hợp đồng kỳ hạn từ thời Hy Lạp cổ đại, rồi sau đó ở thời kỳ Trung cổ tại Châu u. Đến những năm 1690, thị trường gạo Dojima ra đời ở Nhật Bản, đánh dấu sự hình thành thị trường hợp đồng tương lai đầu tiên trên thế giới.

Từ những công cụ đơn giản được tạo ra ngay ở thời kỳ đầu mới xuất hiện thị trường, chứng khoán phái sinh dần trở nên đa dạng hơn, mang những đặc điểm ngày càng phức tạp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng.

Ngày nay, người ta có thể lựa chọn công cụ thích hợp nhất với mình từ rất nhiều loại chứng khoán phái sinh khác nhau, bao gồm từ hợp đồng kỳ hạn (forward contracts), hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options), hợp đồng hoán đổi (swaps); cho đến những công cụ lai ghép (hybrid) được tạo ra từ sự kết hợp các công cụ cơ bản đó.

“Tài sản cơ sở” của các chứng khoán phái sinh cũng được mở rộng từ những hàng hóa cơ bản truyền thống sang các tài sản tài chính (như cổ phiếu, trái phiếu), rồi cả các khoản tín dụng, bất động sản, phí vận tải, chỉ số lạm phát, khí thải, thời tiết…, hay nói cách khác là bất kỳ thứ gì thị trường có nhu cầu.

Giờ đây, các thị trường tài chính phái sinh đã hiện diện ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ các thị trường tài chính đã phát triển đạt đến trình độ cao đến các thị trường mới nổi. Dù là trên các thị trường có tổ chức hay thị trường phi tổ chức, các giao dịch chứng khoán phái sinh đều diễn ra hết sức sôi động, và đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng xét về giá trị danh nghĩa. Với chức năng quan trọng là cung cấp một công cụ giúp phòng ngừa và quản lý rủi ro hiệu quả, cũng như góp phần vào quá trình xác lập giá trên thị trường (do tính tương tác giữa chứng khoán phái sinh và tài sản cơ sở), chứng khoán phái sinh thu hút sự quan tâm không chỉ của nhiều tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế mà của cả các cơ quan quản lý trong nỗ lực không ngừng hoàn thiện và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động thị trường tài chính.

Trong cuốn tài liệu này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu hai công cụ phái sinh: hợp đồng tương lai và quyền chọn. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến một công cụ có thể coi là ra đời đầu tiên trên thị trường, đó là hợp đồng kỳ hạn.

Về bản chất, hợp đồng kỳ hạn rất giống với hợp đồng tương lai mà chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong phần tiếp theo. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai công cụ này là hợp đồng tương lai được giao dịch trên thị trường có tổ chức, hay là tại sở giao dịch, trong khi hợp đồng kỳ hạn là công cụ trên thị trường phi tập trung (over-the-counter).

Mỗi loại thị trường tài chính phái sinh có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với những mục tiêu cũng như chiến lược khác nhau của người sử dụng. Nhưng tựu chung, việc sử dụng những công cụ này đều đòi hỏi người đầu tư phải có những hiểu biết nhất định về các khía cạnh liên quan. Có như vậy, người sử dụng chứng khoán phái sinh mới khai thác được những tác dụng có lợi của chúng, đồng thời vẫn chủ động trước những rủi ro có thể xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *